Nhiều cử tri quận Tân Bình không hài lòng về hiệu quả chống tham nhũng trong thời gian qua.

Xây dựng sân bay Long Thành hay mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là vấn đề được nhiều cử tri quận Tân Bình, TP.HCM quan tâm, nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc với tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 5 gồm các đại biểu Võ Thị Dung, Đỗ Văn Đương và Huỳnh Minh Thiện, ngày 6-5.

Cử tri còn nhiều thắc mắc

Nhiều ý kiến cho rằng chưa nên vội xây dựng sân bay Long Thành với nguồn vốn đến 15,8 tỉ USD do sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn khả năng mở rộng. Cử tri Phạm Quốc Hộ thắc mắc: “Hiện còn đến 157 ha đất trong sân bay Tân Sơn Nhất được dùng để làm sân golf, kinh doanh dịch vụ. Tại sao không dùng đất đó để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất?”.

Cử tri Nguyễn Đăng Diệp bày tỏ: “Sân bay Long Thành gần sân bay Biên Hòa, tại sao không nghiên cứu mở rộng sân bay Biên Hòa cho đỡ tốn kém? Việt Nam hiện có nhiều sân bay hoạt động không hiệu quả, ví như sân bay Phan Rang rất lớn lại cho xây dựng sân bay Phan Thiết sát bên. Liệu việc xây dựng nhiều công trình như thế có tạo cơ hội cho tham nhũng không?”.

Trước những băn khoăn trên, ĐBQH Võ Thị Dung thông tin: Các ĐBQH TP.HCM đã không đồng ý việc triển khai sân bay Long Thành trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII và nhiều kỳ họp khác. “Tuy nhiên, sau khi khảo sát, chúng tôi thấy rõ ràng rằng việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết. Còn sân bay Tân Sơn Nhất tuy có thể mở rộng được nhưng phải giải tỏa nhiều, mà đụng đến giải tỏa là cả một vấn đề lớn” - bà Dung nói.


ĐBQH Võ Thị Dung nhận định thêm: “Để phục vụ cho sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cho cả nước thì việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết. Tuy nhiên, quy mô, thời điểm, nguồn vốn, vấn đề quản lý sử dụng… như thế nào thì cần tiếp tục bàn. Còn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì cá nhân tôi thấy rằng không khả thi”.

ĐBQH Đỗ Văn Đương cũng cho hay: “Chúng tôi tiếp thu ý kiến của cử tri, sẽ về cùng nghiên cứu với các ĐBQH khác để thảo luận. Về lâu dài, chúng tôi cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết nhưng thời điểm nào mới là quan trọng. Bởi hiện chúng ta còn rất nhiều việc phải làm về kinh tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, quốc phòng an ninh…”.

Trước ý kiến của các ĐBQH, nhiều cử tri vẫn tiếp tục đề nghị QH cần xem xét kỹ lưỡng hơn vấn đề này.

“Bao giờ tham nhũng mới đầu hàng?”

Ngoài ra, vấn đề tham nhũng cũng được nhiều cử tri quan tâm. Cử tri Bùi Bỉnh Luân nói: “Lâu nay nhiều biện pháp chống tham nhũng được đưa ra không có gì mới, một số chỉ có tính hình thức. Ví dụ chỉ có kê khai tài sản mà không tích cực thanh tra, kiểm tra. Chưa nói, chất lượng thanh tra hiện còn nhiều hạn chế, chỉ dừng lại ở kiểm tra sổ sách, chưa kiểm tra trực tiếp từng con đường, từng công trình. Với cách làm như vậy, bao giờ tham nhũng mới đầu hàng?”.

Xem thêm: https://landber.com/chi-tiet-tin/bo-...oi-di-lam.html

Cử tri Luân cũng nêu ý kiến rằng tình trạng “bôi trơn”, “lót tay”, hoa hồng trong các hoạt động đấu thầu khi tham gia hợp đồng với cơ quan nhà nước, xin phép xây dựng, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… vẫn ở mức cao. Ông đề nghị thành lập lực lượng chuyên trách chống tham nhũng để công tác này được hiệu quả hơn.

Cử tri Hoàng Xuân Thường ý kiến thêm: “Tôi đề nghị QH nên đưa vấn đề phòng, chống tham nhũng vào nghị sự. Phải xây dựng cơ chế chính sách rõ ràng, tổ chức kiểm tra tích cực. Những biện pháp nào không phù hợp thì bỏ đi, thay thế bằng biện pháp khác; trong quá trình tổ chức thực hiện phải có báo cáo cụ thể”.

Theo LÊ THOA

PV

Pháp luật TP Hồ Chí Minh