Polyp túi mật là một bệnh lý khá phổ biến ở nước ta hiện nay. Polyp túi mật có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ.

Tuy vậy trên thực tế, polyp túi mật chủ yếu gặp ở người trưởng thành, rất hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ polyp túi mật trong cộng đồng dao động từ 0,03% đến 9%. Các số liệu điều tra tại khu vực đông Á cho thấy tỷ lệ polyp túi mật ở người trưởng thành trong khoảng 4% đến 7%. Tuy đa số polyp túi mật là lành tính, nhưng vẫn có một số trường hợp là ung thư, đây là mối nguy tiềm ẩn cho tính mạng bệnh nhân, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Vậy polyp túi mật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị polyp túi mật như thế nào? Sau đây là những kiến thức cơ bản về polyp túi mật mà bạn cần biết.

Polyp túi mật là gì?

Túi mật là một túi rỗng bên trong có chứa nhiều mật, là một cấu thành của hệ thống đường dẫn mật, túi mật có nhiệm vụ tích mật và cô đặc mật, tham gia điều hòa bài tiết mật giúp tiêu hóa thức ăn. Polyp túi mật, tức u nhú niêm mạc tuyến mật, là tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Polyp túi mật lành tính trong khoảng 92% các trường hợp, số còn lại là ác tính gồm ung thư tuyến (adenocarcinome), u sắc tố (mealanome), di căn ung thư…

Polyp túi mật là khối u trong túi mật. Một Polyp túi mật là bất kỳ tổn thương nào nhô cao từ bề mặt niêm mạc bên trong của túi mật, bao gồm cả tổn thương lành tính và ác tính. Polyp túi mật thường được phát hiện trên siêu âm.

Đa số các polyp túi mật là vô hại, chúng chỉ là các khối cholesterol được tích tụ chứ không phải là các tế bào ung thư. Tuy nhiên, polyp túi mật cũng có thể là các khối u nhỏ, một số trong đó có thể là ung thư trong khi những khối khác là u lành tính. Những khối u nhỏ này có thể nhô ra từ bên trong các thành của túi mật.

Khi nói đến polyp túi mật, kích thước chắc chắn rất quan trọng: Polyp càng lớn, càng có nguy cơ ung thư túi mật. Polyp lớn hơn 1 cm có nhiều khả năng là ung thư, vì vậy các bác sĩ thường khuyên cắt bỏ túi mật ở bệnh nhân có polyp túi mật lớn. Những polyp nhỏ hơn ít có khả năng phát triển thành ung thư.

Polyp túi mật là một bệnh thường gặp với tỉ lệ khoảng 5% dân số. Trong đó 95% là lành tính và phần lớn là những polyp cholesterol. Một vài nghiên cứu cho thấy: các polyp cholesterol thường gặp ở những bệnh nhân từ 40 – 50 tuổi, phổ biến là ở phụ nữ; polyp cholesterol chiếm trên 50% các trường hợp polyp túi mật, chúng thường nhiều và có cuống, có kích thước từ 2-10mm; adenomyomas là loại phổ biến thứ hai của polyp túi mật, chiếm khoảng 30% trường hợp polyp túi mật, thường đơn độc, kích thước từ 10 – 20mm, thường thấy ở đáy của túi mật; các polyp ác tính chiếm khoảng 5%, những polyp ít gặp là ung thư nơi khác di căn đến túi mật, carcinoma tế bào vảy và angiosarcoma.



Nguyên nhân gây polyp túi mật

Các nghiên cứu cho biết có nhiều yếu tố liên quan đế việc hình thành polyp túi mật như: Sỏi túi mật, rối loạn chức năng gan mật; nồng độ đường trong máu cao; nồng độ mỡ trong máu tăng; người béo phì, nhiễm virut viêm gan… Tuy nhiên cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh rõ ràng cho mối liên hệ giữa các yếu tố nguy cơ với sự tạo ra polyp túi mật.

Mối quan hệ giữa polyp túi mật và bệnh sử gia đình của một số bệnh cho thấy các bằng chứng để thực hiện một số nghiên cứu di truyền.

Bệnh nhân có hội chứng polyposis bẩm sinh như Peutz-Jeghers và hội chứng Gardner cũng có thể phát triển polyp túi mật.

Các yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân polyp túi mật ác tính bao gồm độ tuổi trên 60, sỏi mật, viêm đường mật nguyên phát. Đặc điểm các yếu tố nguy cơ polyp bao gồm kích thước lớn hơn 6mm, duy nhất và không có cuống.



Polyp túi mật có triệu chứng gì?

Trên thực tế, polyp túi mật thường được phát hiện tình cờ khi kiểm tra vùng bụng bằng siêu âm hoặc có biểu hiện đau bụng. Có khoảng 6 – 7% bệnh nhân bị polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng, thường gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hay đau vùng trên rốn, một số ít có biểu hiện buồn nôn hay nôn thật sự, ăn chậm tiêu, thấy co cứng nhẹ vùng da bụng ở dưới sườn phải.

Với triệu chứng đau ở dưới sườn tuy giống bệnh sỏi túi mật, nhưng khác với sỏi túi mật ở chỗ, polyp túi mật ít khi có biểu hiện cấp tính do viêm hay những biến chứng của sỏi gây ra như viêm đường mật, tắc mật.

Siêu âm có thể phát hiện thấy hình ảnh tăng âm bám trên bề mặt túi mật, không có bóng cản và không thay đổi theo tư thế người bệnh. Đây là dấu hiệu để phân biệt với sỏi túi mật. Tuy nhiên, siêu âm không thể phân biệt được là polyp lành tính hay ác tính để có chỉ định phẫu thuật. Thông thường siêu âm có thể thấy hình ảnh chung của polyp túi mật là một bóng giống polyp mọc vào trong lòng túi mật, thường là bất động, trừ khi là polyp có cuống dài; các hình ảnh polypcholesterol thường có kích thước nhỏ với tỉ lệ trên 90% là dưới 10mm, hầu hết nhỏ hơn 5mm. Nếu là adenoma thì có kích thước lớn hơn, đơn độc, không cuống với mạch máu bên dưới và độ phản âm trung bình. Nếu polyp có đường kính trên 10mm thì tỷ lệ ác tính là 37 – 88%.

Polyp túi mật có nguy hiểm không

Polyp túi mật được ví như một cục thịt thừa phát triển trên bề mặt của niêm mạc túi mật, chủ yếu do cholesterol cấu thành. Polyp túi mật phần lớn là lành tính, không gây nguy hiểm, người bệnh có thể chung sống hòa bình với nó mà không cần phải điều trị, chỉ cần định kỳ theo dõi để đánh giá sự phát triển của polyp.

Hầu hết các polyp nhỏ không phải là tổn thương ung thư và có thể không thay đổi trong nhiều năm. Nhưng nếu polyp nhỏ đi kèm các bệnh lý khác, chẳng hạn như viêm đường mật xơ dính nguyên phát, thì chúng lại có khả năng là ác tính.

Tuy đa số polyp túi mật là lành tính, nhưng vẫn có một số trường hợp là ung thư, đây là mối nguy tiềm ẩn cho tính mạng bệnh nhân, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý polyp ác tính có ý nghĩa cứu sống bệnh nhân.

Cách điều trị polyp túi mật

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh polyp túi mật
Để có được một cái nhìn rõ về túi mật, các bác sĩ thường thực hiện phương pháp phương pháp siêu âm. Bạn có thể nhìn thấy polyp túi mật trên hình ảnh siêu âm và sau đó tính toán được kích thước (và độ nguy hiểm của khối polyp) của khối u.

Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc quét chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể giúp đánh giá được khả năng phát triển thành tế bào ung thư trong polyp túi mật lớn hơn. Bạn có thể thực hiện cả hai hình thức xét nghiệm này để liên tục theo dõi polyp túi mật nhằm phát hiện bất kỳ thay đổi đáng ngờ nào có thể cho thấy đó là ung thư túi mật.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh polyp túi mật
Về cơ bản, bạn có hai lựa chọn: Xem xét và chờ đợi hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Polyp rất nhỏ, những khối u dưới 1 cm (hoặc ít hơn 1,5 cm, theo một số nghiên cứu), bạn có thể không cần phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật, thay vào đó có thể theo dõi thường xuyên bằng cách quét và tái đánh giá bất kỳ thay đổi đáng ngờ nào có thể cho thấy đó là ung thư túi mật.

Polyp có kích thước lớn hơn 1 cm có nhiều khả năng trở thành ung thư, đặc biệt là những polyp có kích thước lớn hơn 1,5 cm – các polyp này có khả năng từ 46 đến 70 % chứa các tế bào ung thư.

Bạn nên tiến hành theo dõi polyp túi mật nhỏ hơn 1,5 cm mỗi 3 – 6 tháng đến hai năm, sau đó có thể ngưng nếu không có thay đổi nào trong các polyp. Không khuyến cáo điều trị polyp kích thước nhỏ hơn 0,5 cm bằng cách cắt bỏ túi mật. Trong polyp túi mật kích thước nhỏ, nguy cơ ung thư túi mật là cực kỳ hiếm.

Bạn có thể điều trị polyp túi mật ung thư bằng phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Đối với polyp túi mật lớn, bác sĩ cũng sẽ đề nghị cắt bỏ túi mật để ngăn chặn sự phát triển của ung thư.

Người bị polyp túi mật phần lớn là bị tổn thương từ gan, cơ quan tạo ra dịch mật và đổ vào túi mật. Sử dụng các sản phẩm từ thảo dược tự nhiên có tác dụng mát gan, cân bằng dịch mật cũng có thể điều trị được polyp túi mật, tuy nhiên tỉ lệ hết bệnh không được cao như điều trị sỏi túi mật, viêm túi mật hay sỏi thận.

Quyết định làm thế nào để điều trị polyp túi mật đòi hỏi sự cân bằng kỹ lưỡng giữa các rủi ro tiềm tàng của phẫu thuật với các rủi ro tiềm ẩn của sự phát triển ung thư túi mật. Bạn có thể chú ý đến nguy cơ ung thư nói chung và thường xuyên theo dõi tình trạng của túi mật để bảo vệ sức khỏe của bạn.