Màng não có 3 lớp là màng cứng, màng mềm và màng nhện. Hiện tượng tụ máu não ngoài màng cứng có thể gặp sau một chấn thương vùng đầu hoặc một bệnh tự phát ngoài chấn thương. Tuy nhiên dù trong trường hợp nào, khi cục máu đông lớn dần cũng chiếm một diện tích nhất định, chèn ép các nhu mô não và làm tăng áp lực nội sọ. Nếu không được kiểm tra và theo dõi xử lý kịp thời, khối máu tụ sẽ gây những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Xem thêm: bệnh teo não sống được bao lâu

Tụ máu não ngoài màng cứng là gì? Nguyên nhân do đâu?

Tụ máu não ngoài màng cứng là hiện tượng máu tụ lại ở khoang ngoài màng cứng. Theo thống kê, máu tụ ngoài màng cứng chiếm một tỷ lệ tương đối lớn và hết sức nguy hiểm trong các trường hợp chấn thương sọ não.

Có 2 nguyên nhân chính gây tụ máu não ngoài màng cứng bao gồm:

Máu tụ ngoài màng cứng nội sọ
Tụ máu não ngoài màng cứng thường xảy ra trong đầu sau một chấn thương sọ não làm nứt hoặc gãy xương sọ.

Thông thường xương sọ vỡ sẽ làm màng cứng bị rách từ mặt bên trong của hộp sọ và gây tổn thương các mạch máu. Từ đó xuất hiện tình trạng chảy máu và tụ máu trong khoang ngoài màng cứng. Khi khối máu tụ lớn dần sẽ khiến áp lực nội sọ tăng lên gây chèn ép não dẫn đến các chấn thương nếu không được xử lý nhanh chóng. Đa số các trường hợp tụ máu não ngoài màng cứng xảy ra sau các chấn thương sọ não nặng chẳng hạn như tai nạn giao thông.

Sự tụ máu não ở vị trí này thường có những triệu chứng biểu hiện có thể nhận biết nhanh chóng. Do vậy thường là chấn thương cấp tính. Đôi khi, chảy máu có thể diễn ra chậm hơn và tụ máu não ngoài màng cứng cũng cho ít triệu chứng nhận biết hơn.

Máu tụ ngoài màng cứng cột sống
Tụ máu não ngoài màng cứng cột sống thường sẽ ít phổ biến hơn tụ máu não ngoài màng cứng nội sọ. Một vài trường hợp, chấn thương xung quanh cột sống cũng gây tụ máu ngoài màng cứng cột sống. Hiếm gặp hơn, nhưng nguyên nhân của hiện tượng tụ máu này có thể là do gây mê ngoài màng cứng trong phẫu thuật hoặc chọc dò tủy sống.

Cần nắm được rằng, tụ máu não ngoài màng cứng không liên quan đến bất cứ chấn thương nào mà thường xảy ra tự nhiên do dùng thuốc chống đông máu hoặc bệnh nhân gặp vấn đề về đông máu…

Triệu chứng của tụ máu ngoài màng não cứng

Tụ máu não ngoài màng cứng có thể gây mất ý thức ngay tại thời điểm chấn thương xảy ra nhưng không quá phổ biến. Thông thường bệnh nhân sẽ bất tỉnh ngay lúc chấn thương và vài giờ sau đó sẽ bình thường trở lại. Cho đến khi khối máu tụ hình thành, bệnh nhân mới mất ý thức một lần nữa.

Nếu sau chấn thương không bị mất ý thức, người bệnh có thể cảm thấy buồn ngủ và nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Một vài triệu chứng như yếu tay chân, nói chuyện khó khăn, co giật… cũng có thể xảy ra.

Nếu là một chấn thương đầu nghiêm trọng, bệnh nhân nên được đưa đi cấp cứu kịp thời. Tụ máu não ngoài màng cứng là hiện tượng chúng ta không thể tự mình quan sát được mà chỉ có thể dựa vào các biểu hiện để nhận biết. Tốt nhất sau một chấn thương vùng đầu, cho dù bệnh nhân bất tỉnh hay vẫn còn tỉnh táo vẫn nên chuyển ngay đến bệnh viện để được kiểm tra.